Bài thơ “Hưng Yên bay lên” của tác giả Vi Thùy Linh đăng trên báo Hưng Yên, ca ngợi Tổng Bí thư Tô Lâm và quê hương của ông, đã bị rút xuống sau gần một tuần, mà không rõ lý do. Điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng tựu chung, đa số nhận xét cho rằng, bài thơ không giống thơ và có vẻ đang “tâng bốc” lộ liễu cho ông Tô Lâm – người nắm giữ vị trí quyền lực nhất ở Việt Nam.
Về chất lượng của tác phẩm vừa kể, một số ý kiến cho rằng, bài thơ chưa đạt được chất lượng nghệ thuật, thiếu sự sáng tạo và chiều sâu cảm xúc. Đây có thể là lý do khiến bài thơ bị gỡ xuống sau khi đăng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc đăng tải bài thơ ca ngợi ông Tô Lâm trên báo Hưng Yên không đảm bảo tính khách quan, và chất lượng nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn của báo chí.
Đáng chú ý, trong bối cảnh những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, một số đông dân chúng ở Việt Nam, đặc biệt người dân ở các thành phố lớn đang ta thán về Nghị định 168 của Bộ Công an, theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Về lý do vì sao bài thơ đó bị gỡ xuống, theo giới thạo tin, xuất phát theo yêu cầu từ cấp trên, do đã ảnh hưởng tới hình ảnh, và uy tín của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong bối cảnh chính trị chính trường Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất ổn, mất đoàn kết trầm trọng, mọi hành động của các lãnh đạo cấp cao đều được soi xét kỹ lưỡng. Việc bài thơ bị gỡ xuống càng ảnh hưởng đến uy tín chính trị của ông Tô Lâm.
Tuy nhiên, đội ngũ tham mưu của Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng, và ban lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nói chung, đã xử lý vấn đề thiếu tính chuyên nghiệp. Theo đó, việc cho gỡ bài thơ được thực hiện âm thầm, và không công khai giải thích lý do để công chúng được biết rõ. Lẽ ra điều này có thể giúp cải thiện hình ảnh của ông Tô Lâm trong mắt công chúng.
Có không ít các ý kiến thấy rằng, thế giới luôn tồn tại 2 loại: người xu nịnh, và người thích “tâng bốc”. Người tiền nhiệm của ông Tô Lâm – cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một phát biểu để đời, “Mình phải thế nào thì người ta mới nói mình như thế chứ!”.
Theo cách nhìn này, mọi đánh giá, nhận xét từ công chúng hay giới văn hóa đều xuất phát từ hành động, lời nói và đạo đức của chính bản thân Tổng Bí thư Tô Lâm.
Điều này phù hợp với quan điểm cho rằng, đạo đức của ông Tô Lâm phải thế nào thì người ta mới “ca ngợi” như thế”. Tức là có thể cách nhìn của tác giả Vi Thùy Linh đã cho rằng ông Tô Lâm là một lãnh đạo ưa trò siểm nịnh.
Công luận cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm là người quê ở Hưng Yên, trong thời gian gần đây tỉnh Hưng yên được coi là một cõi riêng của Tổng Bí thư Tô Lâm, và Bộ Công an. Các lãnh đạo thân cận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bộ máy Đảng, nhà nước đều là người thân tín, và là người đồng hương Hưng Yên.
Điều đó, đã dẫn đến tình trạng kéo bè, kéo cánh, hay cục bộ địa phương trong nội bộ Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã “phớt lờ” các quy định của Đảng, bất chấp các tiêu chuẩn về năng lực để bổ nhiệm tay chân thân tín.
Điều đó sẽ khiến mâu thuẫn trong Đảng càng thêm trầm trọng, gây ra sự bất bình trong nội bộ và ảnh hưởng đến uy tín của ông Tô Lâm. Đồng thời có thể gây ra sự bất mãn trong xã hội, và làm suy yếu niềm tin của công chúng với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu việc gỡ bài thơ “Hưng Yên bay lên” của tác giả Vi Thùy Linh đăng trên báo Hưng Yên, xuất phát từ lệnh của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, thì đây là vấn đề nghiêm trọng.
Trà My – Thoibao.de